TTCN - Không rõ từ “cơ chế” bắt đầu được dùng ở nước ta tự bao giờ, nhưng có thể khẳng định rằng nó được dùng trước tiên và từ lâu trong ngành y. Các thầy thuốc thường nói đến cơ chế gây bệnh và cơ chế tác dụng của thuốc.
Và khi người ta đã nhận biết được những cơ chế ấy, có nghĩa là đã giải thích được bệnh và phương pháp chữa bệnh có cơ sở khoa học. Nếu chưa nhận biết được thì việc chẩn đoán và điều trị vẫn chỉ là theo triệu chứng, theo kinh nghiệm mà thôi. Từ “cơ chế” được dùng rộng rãi trong lĩnh vực quản lý từ khoảng cuối những năm 1970, khi chúng ta bắt đầu chú ý nghiên cứu về quản lý và cải tiến quản lý kinh tế, với nghĩa như là những qui định về quản lý.
Cách hiểu đơn giản này dẫn tới cách hiểu tách rời cơ chế với con người như nêu trên. Suy nghĩ cách dùng của ngành y, xem thêm từ điển tiếng nước ngoài và tiếng Việt, có thể thấy từ “cơ chế” là chuyển ngữ của từ “mécanisme” của phương Tây. Từ điển Le Petit Larousse (1999) giảng nghĩa“mécanisme” là “cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau”.
Còn Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1996) giảng nghĩa cơ chế là “cách thức theo đó một quá trình thực hiện”. Điều đáng lưu ý là cả cách dùng trong ngành y, cả định nghĩa trong từ điển, đều cho thấy “cơ chế” được dùng với hàm ý chỉ hiện tượng ở trạng thái động chứ không phải ở trạng thái tĩnh. Cho nên hiểu cơ chế chỉ là các qui định quản lý là hiểu theo trạng thái tĩnh, chưa thấu triệt hết tính chất động của hiện tượng.
Bàn về cơ chế quản lý như là một hiện tượng đang chuyển động, không thể không nói tới những con người hoạt động trong đó như là những chi tiết không thể thiếu của bộ máy quản lý. Con người nằm trong cơ chế, tham gia vào sự vận hành của cơ chế, bị cơ chế điều khiển, chứ không nằm ngoài cơ chế và điều khiển cơ chế.
Quan hệ giữa cơ chế với con người là quan hệ giữa cục bộ với toàn bộ. Cho nên nó không chỉ bao gồm những qui định về cách thức vận hành, mà còn bao gồm cả con người hoạt động theo những cách thức đã được định sẵn trong thiết kế cơ chế. Và chính những hành động của tất cả chi tiết con người như thế tạo nên cơ chế như là một bộ máy quản lý đang vận hành. Cần nhấn mạnh rằng cơ chế phải và chỉ có thể vận hành theo những cách thức định sẵn, trong đó mỗi chi tiết phải đóng được vai trò của mình.
Chỉ cần một chi tiết hư mòn hay kém chất lượng, sự vận hành của cơ chế sẽ lập tức trục trặc. Cho nên cơ chế tự nó có khả năng phát hiện và đòi hỏi loại trừ những chi tiết, ở đây là những con người không phù hợp với nó. Cơ chế phân bổ quota hàng dệt may đã không đạt được tới mức như thế nên mới có vụ Mai Thanh Hải. Cho nên không thể qui vụ này chỉ là do có người xấu, mà phải thấy ngược lại, chính là do cơ chế có khiếm khuyết.
Nếu cơ chế tốt thì dù có Mai Thanh Hải là chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu, y cũng không dám làm và không thể làm. Và nếu y cả gan làm thì cũng sẽ bị cơ chế phát hiện và thải loại, vụ việc không thể xảy ra. Còn nếu cứ theo cơ chế hiện hành thì dù không có Mai Thanh Hải đang bị tạm giam hiện nay, cũng sẽ có một hay những Mai Thanh Hải khác. Người ta bàn nhiều về tính không minh bạch, không công khai của cơ chế phân bổ quota hiện nay.
Vì vậy kết quả phân bổ không phụ thuộc vào cơ chế, mà phụ thuộc vào người làm việc phân bổ. Phải chăng chính vì thế mà tiêu cực đã xảy ra, và còn có thể tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi khác. Có người lý luận rằng trong quan hệ giữa cơ chế với con người, con người là yếu tố quyết định vì cơ chế do con người tạo ra. Ở đây có sự lẫn lộn giữa người tạo ra cơ chế và đứng ngoài cơ chế với người thực hiện nằm trong cơ chế như là một bộ phận của cơ chế. Cơ chế đúng là do con người tạo ra, nhưng người đó không phải là ông vụ phó Lê Văn Thắng hay ông chuyên viên Mai Thanh Hải, mà là những người thiết kế ra cơ chế và giám sát nó vận hành. Xét cho cùng trách nhiệm phải qui về đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét