GDP: Tổng sản phẩm nội địa (viết tắt của Gross Domestic Product) là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Khi áp dụng cho phạm vi toàn quốc gia, nó còn được gọi là tổng sản phẩm quốc nội.
Nói một cách đơn giản, GDP là tổng chi tiêu của gia đình, đầu tư của doanh nghiệp, chi tiêu của Chính phủ cộng phần chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu.
GDP = C + I + G + NX
Trong đó:
C là tiêu dùng của tất cả các cá nhân (hộ gia đình) trong nền kinh tế, bao gồm những khoản chi cho tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình về hàng hóa và dịch vụ. ( xây nhà và mua nhà không được tính vào TIÊU DÙNG mà được tính vào ĐẦU TƯ TƯ NHÂN).
I là đầu tư của các nhà kinh doanh vào cơ sở kinh doanh (ĐẦU TƯ TƯ NHÂN). Đây được coi là tiêu dùng của các nhà đầu tư. Nó bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị và nhà xưởng hay sự xây dựng, mua nhà mới của hộ gia đình. (hàng hóa tồn kho khi được đưa vào kho mà chưa đem đi bán thì vẫn được tính vào GDP). Lưu ý, đừng lẫn lộn điều này với đầu tư mang tính đầu cơ tích trữ vào thị trường chứng khoán và trái phiếu.
I=De+In
De là khấu hao
In là đầu tư ròng
G là CHI TIÊU CHÍNH PHỦ, bao gồm các khoản chi tiêu của chính phủ cho các cấp chính quyền từ TW đến địa phương như chi cho quốc phòng, luật pháp, đường xá, cầu cống, giáo dục, y tế,… Chi tiêu chính phủ không bao gồm các khoản CHUYỂN GIAO THU NHẬP như các khoản trợ cấp cho người tàn tât, người nghèo,…
NX là cán cân thương mại, là “xuất khẩu ròng” của nền kinh tế. Nó bằng xuất khẩu (tiêu dùng của nền kinh tế khác đối với các sản phẩm và dịch vụ do nền kinh tế trong tính toán sản xuất) – nhập khẩu (tiêu dùng của nền kinh tế trong tính toán đối với các sản phẩm và dịch vụ do nền kinh tế khác sản xuất).
NX=X-M
X (export) là xuất khẩu
M (import) là nhập khẩu
GDP là một chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia (System of National Accounts – SNA). SNA của
Liên hiệp quốc được các nhà kinh tế hàng đầu thế giới, đứng đầu là Richard Stone (đoạt giải Nobel 1984) đưa ra. SNA đã tập hợp một cách hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng nhằm mô tả, phân tích các hiện tượng kinh tế cơ bản. Hệ thống SNA mô tả quá trình chu chuyển sản phẩm và tiền tệ trong một quốc gia, nó là một tập hợp đầy đủ, phù hợp và linh hoạt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Những chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên các khái niệm, định nghĩa và quy tắc chuẩn mực được thừa nhận trên phạm vi toàn thế giới.
GDP = tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình + tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước + tích lũy tài sản + xuất khẩu – nhập khẩu (phương pháp sử dụng cuối cùng); hoặc = tổng thu nhập của người lao động từ sản xuất + tổng thặng dư sản xuất + tổng khấu hao tài sản cố định + tổng thuế gián thu và thuế sản xuất khác + thuế nhập khẩu – trợ cấp cho sản xuất (phương pháp phân phối); hoặc = tổng giá trị sản xuất – tổng chi phí trung gian + thuế nhập khẩu (phương pháp sản xuất)
GNI = GDP + thu nhập từ sở hữu thuần
NDI = GNI + thu nhập từ chuyển nhượng hiện hành thuần
Để dành = NDI – tiêu dùng cuối cùng
Mặc dù GDP được sử dụng rộng rãi trong kinh tế, giá trị của nó như là một chỉ số vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Sự phê phán sử dụng GDP bao hàm các điểm sau:
- GDP, như một chỉ số về kích cỡ của nền kinh tế, nhưng lại không chuẩn xác trong đánh giá mức sống.
- GDP không tính đến kinh tế ngầm, kinh tế phi tiền tệ như kinh tế trao đổi, các công việc tình nguyện, chăm sóc trẻ em miễn phí do các ông bố bà mẹ (không làm việc) đảm nhiệm hay sản xuất hàng hóa tại gia đình, giá trị của thời gian nghỉ ngơi và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tại các nước mà việc kinh doanh thực thi một cách không chính thức chiếm phần lớn thì số liệu của GDP sẽ kém chính xác.
- GDP không tính đến tính hài hòa của sự phát triển. Ví dụ một nước có thể có tốc độ tăng trưởng GDP cao do khai thác khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Giả sử một cánh rừng bị phá, gỗ đem bán, thế là GDP tăng. Không một doanh nghiệp nào cứ “cấu” vào tài sản ăn dần mà xem là thu nhập chứ không phải là khoản khấu hao, phải bù đắp. Trong khi đó bảng cân đối tài khoản quốc gia lại làm theo cách đó.
Chương trình 1 triệu tấn đường của VN chẳng hạn, nếu tính theo tăng trưởng GDP thì đã đóng góp nhiều cho mức tăng này nhưng hậu quả như thế nào thì chúng ta đã biết.
- GDP tính cả những công việc không đem lại lợi ích ròng và không tính đến những hiệu ứng tiêu cực. Ví dụ, một xí nghiệp làm tăng GDP nhưng gây ô nhiễm một con sông và người ta phải đầu tư để cải tạo lại môi trường. Hay sau một trận lũ lụt, nhà cửa, đường sá hư hỏng nặng. Chi phí sửa chữa để tái tạo nguyên trạng như trước cơn thiên tai cũng được tính là đóng góp vào GDP.
- GDP cũng không cho ta sự phản ánh trung thực của sự phân chia lợi ích trong phạm vi đất nước. Có thể có những nhóm người không thu được lợi ích gì từ lợi ích kinh tế chung. GDP cao có thể là kết quả của một số người giàu có đem lại cho nền kinh tế trong khi phần lớn dân chúng sống dưới mức nghèo khổ.
Nguồn: dankinhte.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét